Cầu dao đảo và bộ chuyển nguồn tự động ATS, STS là các thiết bị giúp chuyển đổi giữa các nguồn phát điện một cách thuận lợi và an toàn.
Chức năng của cầu dao đảo
Cầu dao đảo chiều là một thiết bị chuyển mạch điện dân dụng, công dụng chính là chuyển đổi nguồn điện theo nhu cầu sử dụng của gia đình. Nguyên tắc hoạt động cơ bản của cầu dao đảo là: tại bất kỳ thời điểm nào, luôn chỉ có một nguồn phát điện kết nối với phụ tải.
VD: gia đình có hai nguồn điện: điện lưới và máy phát điện. Khi cầu dao ở vị trí trên, các thiết bị trong nhà sẽ sử dụng điện từ lưới, còn khi còn gạt cầu dao đảo chiều xuống, gia đình có thể dùng điện từ máy phát điện.
Cầu dao đảo chiều có tác dụng bảo vệ quan trọng khi có các nguồn phát điện khác như inverter điện mặt trời, máy phát điện.
Nếu đấu nối trực tiếp các nguồn phát điện phụ này vào thẳng cầu dao tổng, điện từ lưới lưới sẽ tràn vào máy phát, inverter và gây chập, cháy cũng như hư hỏng hệ thống điện và các thiết bị trong nhà.
Đồng thời, trong trường hợp mất điện, gia đình sử dụng điện từ inverter, máy phát mà không ngắt kết nối với lưới sẽ dẫn đến điện tràn ngược lên lưới, gây nguy hiểm tính mạng cho kỹ thuật viên sửa chữa hệ thống điện.
Những trường hợp nào cần trang bị cầu dao đảo?
– Sử dụng bộ UPS, ắc quy lưu điện công suất lớn
– Sử dụng máy phát điện
– Sử dụng hệ thống điện mặt trời có lưu trữ
– Sử dụng hệ thống điện mặt trời độc lập
ATS – cầu dao đảo tự động là gì?
ATS (Automatic Transfer Switch) – cầu dao đảo tự động hay còn gọi là bộ chuyển nguồn điện tự động là thiết bị trung gian giữa nguồn điện và thiết bị điện, hoạt động giống như một rơ le. Khác với cầu dao đảo thủ công phải gạt chuyển nguồn bằng tay, ATS có chức năng tự động chuyển từ nguồn điện chính sang nguồn điện dự phòng (inverter, máy phát,…) khi xảy ra sự cố mất điện.
Bộ chuyển nguồn tự động giúp bảo vệ thiết bị và đảm bảo vận hành không bị gián đoạn, duy trì liên tục nguồn điện của hệ thống, tránh các thiệt hại khi mất điện đột ngột. Vì vậy, chúng được sử dụng phổ biến ở các văn phòng, bệnh viện, kho lạnh, nhà máy, trung tâm thương mại, trung tâm dữ liệu, …
Nguyên lý hoạt động của ATS
ATS sẽ liên tục giám sát nguồn điện ưu tiên. Khi phát hiện điện áp giảm tới một mức nhất định (người dùng có thể cài đặt giá trị này), ATS sẽ bắt đầu chuyển mạch để kết nối tải với nguồn thay thế. Khi điện áp nguồn điện ưu tiên trở lại giá trị bình thường, ATS sẽ tự động chuyển ngược lại.
Cầu dao đảo tự động ATS trong hệ thống điện mặt trời
Trong các hệ thống điện mặt trời hòa lưới có lưu trữ (hybrid) và hệ thống điện mặt trời độc lập (offgrid), cầu dao đảo tự động thường được lắp đặt để có thể kết nối an toàn giữa lưới điện, inverter, tấm pin mặt trời, bộ lưu trữ và phụ tải.
Trong các hệ thống hybrid, ATS chủ yếu được sử dụng để tự động chuyển nguồn điện: điện lưới hay inverter để cung cấp cho lưới. ATS giúp đảm bảo luôn có đủ điện cho phụ tải, ngay cả khi điều kiện thời tiết không thuận lợi hoặc khi vượt mức tiêu thụ điện vượt quá công suất của hệ thống mặt trời và pin lưu trữ.
ATS cũng giúp cho hệ thống điện hybrid có thể hoạt động khi mất điện. ATS sẽ ngắt kết nối với lưới, đảm bảo điện không tràn lên lưới. Lúc này, các thiết bị trong nhà sẽ sử dụng điện từ năng lượng mặt trời và pin lưu trữ.
Trong một số trường hợp, hệ thống điện mặt trời không kết nối được với lưới điện như các công trình ở vùng sâu, vùng xa, hệ điện mặt trời gắn trên xe hơi, trên ghe, tàu,… Lúc này, ATS sẽ đóng vai trò tự động chuyển đổi giữa điện mặt trời và một nguồn khác như máy phát .
Phân biệt cầu dao đảo tự động ATS và cầu dao đảo từ STS
Cả ATS (Automatic Transfer Switch) và STS (Static Transfer Switch) đều là các loại cầu dao đảo được sử dụng trong hệ thống điện để chuyển đổi giữa các nguồn điện khác nhau. Dưới đây là sự khác nhau chính giữa ATS và STS:
ATS (Automatic Transfer Switch
- Chuyển đổi giữa các nguồn điện khi một nguồn mất điện bằng cơ chế cơ khí hoặc công tắc.
- Thời gian chuyển đổi tính bằng giây, thiết bị có thể gián đoạn ngắn.
- Chi phí rẻ hơn so với STS
STS (Static Transfer Switch)
- Sử dụng thiết bị điện tử, như bộ chỉnh lưu, để chuyển đổi giữa các nguồn điện.
- Thời gian gián đoạn không đáng kể
- Độ bền và độ tin cậy cao hơn
Tóm lại, cả ATS và STS đều có chức năng chuyển đổi giữa các nguồn điện khác nhau, nhưng chúng có cơ cấu và cách thức hoạt động khác nhau, phù hợp với các ứng dụng và yêu cầu cụ thể của hệ thống điện.
Hướng dẫn lắp đặt bộ chuyển nguồn tự động ATS
- Ngắt cầu dao tổng của tòa nhà để đảm bào an toàn trước khi thao tác
- Đấu nối các dây nguồn chính, nguồn dự phòng và phụ tải theo hướng dẫn và ký hiệu trên thiết bị
- Bật lại cầu dao tổng
- Kiểm tra ATS đã được lắp đặt đúng cách chưa bằng cách thử tắt nguồn inverter.
Đăng ký theo dõi Fanpage NCSE để liên tục cập nhật các thông tin mới nhất.
📌 621 Nguyễn Hữu Trí, Tân Túc, Bình Chánh, TPHCM
☎ 0776 780 808
🌎 https://ncse.vn
CEO – Nam Cường Solar Energy
Kỹ sư điện – tự động với 08 năm kinh nghiệm trong ngành điện mặt trời với kinh nghiệm quản lý nhiều dự án điện mặt trời công nghiệp lớn trên cả nước.